Các đồng tiền thời Lê trung hưng Tiền tệ Đàng Ngoài thời Lê trung hưng

Đàng Ngoài có những đồng tiền sau:

Vĩnh Thọ thông bảo

Vĩnh Thọ là niên hiệu của Lê Thần Tông. Tiền Vĩnh Thọ thông bảo đúc bằng đồng, đường kính chừng 23 mm.

Vĩnh Trị nguyên bảo, Vĩnh Trị thông bảo

Là các tiền do Lê Hy Tông phát hành (thực tế có thể là do chúa Trịnh phát hành vì quyền hành mọi mặt trong thực tế thuộc về phủ chúa) mang niên hiệu đầu tiên của ông. Cả hai loại đều bằng đồng, đúc cẩn thận, đường kính chừng 23 mm.

Chính Hòa thông bảo

Tiền đặt theo niên hiệu thứ hai của Lê Hy Tông. Chữ "Chính" viết là 正, dễ nhầm với Chính Hòa thông bảo của nhà Tống cũng thấy xuất hiện ở Việt Nam với chữ Chính viết là 政.

Tiền Cảnh Hưng

Tiền Cảnh Hưng có rất nhiều loại và đều bằng kim loại. Đỗ Văn Ninh đã đề cập đến 40 loại tiền Cảnh Hưng và nhà nghiên cứu này cũng cho biết có người đã liệt kê ra được đến 80 loại tiền Cảnh Hưng[13]. Sở dĩ có nhiều loại như vậy là vì thời Cảnh Hưng (niên hiệu của Lê Hiển Tông), không chỉ chính quyền trung ương mà cả các chính quyền địa phương (ở các trấn) cũng tham gia đúc tiền, và có cả đúc trộm. Các tiền Cảnh Hưng không chỉ có kích thước khác nhau, chất lượng kim loại khác nhau mà cả các chữ ghi trên đó cũng khác nhau. Nguyên nhân khác nhau vừa là do những thay đổi trong thiết kế đồng tiền, vừa là đúc sai quy cách. Vì vậy chất lượng kim loại đúc tiền có khác nhau, có loại rất đẹp, nhưng cũng có loại rất xấu, có đồng được đúc dày dặn, đẹp, nhưng cũng có đồng quá mỏng, mềm, có thể bẻ gãy được[14].

Cảnh Hưng thông bảo là loại phổ biến nhất, nhưng loại này lại có nhiều loại phụ với thiết kế khác nhau và chữ ghi trên tiền ở mặt sau cũng khác nhau.

Ngoài tiền Cảnh Hưng thông bảo còn có các loại tiền Cảnh Hưng khác: Cảnh Hưng trung bảo, Cảnh Hưng chí bảo, Cảnh Hưng vĩnh bảo, Cảnh Hưng đại bảo, Cảnh Hưng thái bảo, Cảnh Hưng cự bảo, Cảnh Hưng trọng bảo, Cảnh Hưng tuyền bảo, Cảnh Hưng thuận bảo, Cảnh Hưng chính bảo, Cảnh Hưng nội bảo, Cảnh Hưng dụng bảo, Cảnh Hưng lai bảo, Cảnh Hưng thận bảo, Cảnh Hưng thọ trường, Cảnh Hưng Dụng bảo, Cảnh Hưng trọng bảo,...

Ngoài ra còn các loại tiền ở sau lưng có đề các chữ: Kinh (Tiền được đúc ở Kinh đô), Công (Bộ Công chịu tránh nhiệm đúc), Trung (Trung tâm - xưởng đúc Kinh đô), Đại (Tiền đúc ở Tứ trấn sát Kinh đô: Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải DươngSơn Tây), Tiểu (Các trấn xa hơn: Yên Quảng, Thái Nguyên, Thanh Hóa...), Thị (chợ), Thượng (Sơn Nam Thượng), Sơn Tây hoặc Tây, Sơn Nam, Xương (huyện Thọ Xương). Trên tiền còn có các chữ ghi năm đúc như: Canh Thân, Tân Dậu, Nhâm Tuất... Các loại tiền như trên được phát hiện ở hầu khắp cả nước, nhất là các tỉnh phía Bắc. Riêng ở Nghệ An, các nhà nghiên cứu còn sưu tầm được một đồng tiền Cảnh Hưng Anh bảo. Các nhà nghiên cứu cho rằng những đồng tiền Cảnh Hưng có chất lượng vừa có giá trị tiêu dùng, vừa mang ý nghĩa tự tôn dân tộc[14].

Chiêu Thống thông bảo

Chiêu Thống là niên hiệu duy nhất của Lê Mẫn Đế, vua cuối cùng nhà Lê trung hưng ở ngôi 3 năm. Khảo cổ học cho thấy tiền kim loại Chiêu Thống thông bảo có nhiều loạt khác nhau. Thêm vào đó, mỗi loạt đều được đúc nhiều lần, mỗi lần kích thước lại khác nhau một chút. Chiếu Thống thông bảo được phát hành dưới thời Lê Mẫn Đế, nhưng ai phát hành thì không rõ vì có quá nhiều loạt và nhiều kích cỡ. Thời Lê Mẫn Đế (Chiêu Thống), lúc đầu có thế lực của họ Trịnh (chúa Trịnh Bồng), lúc sau thì có thế lực của nhà Tây Sơn, trung ương cũng đã không kiểm soát được các địa phương.

Các loạt đều có bốn chữ Chiêu Thống thông bảo đúc nổi và được đọc chéo. Nhưng có một loạt thì chữ Thống viết là 綂, các loạt khác chữ Thống đều viết là 統. Không rõ loạt chữ Thống viết là 綂 có phải là tiền do chính quyền đúc hay không.

Loạt có chữ Thống viết là 綂 thì mặt sau để trơn, chỉ có viền gờ mép và lỗ. Các loạt khác, loạt thì mặt sau có chữ Nhất (-) phía trên lỗ vuông, loạt thì có một nét sổ dọc trên lỗ, loạt thì có một vành trăng khuyết bên phải và một chấm tròn bên trái lô, loạt thì có hình bốn vành trăng khuyết xếp vòng tròn quanh lỗ, loạt thì có chữ Chính (正) hoặc chữ Chính và cả một chấm tròn, lại có loạt thì có một chữ Sơn (山), loạt lại có hai chữ Sơn Nam, loạt thì có một chữ Trung (中), và có cả loạt có chữ Đại (大). Theo Đỗ Văn Ninh, thì chữ Chính chỉ kinh thành, chữ Sơn chỉ Sơn Tây, chữ Trung chỉ Trung đô phủ, chữ Đại chỉ Thanh Hóa.